"Càng học càng thấy mình dốt", đó là câu ngạn ngữ châu á, câu ngạn ngữ đó trái với thông thường, không phải là một trò Tàu, mà là một chân lý chung rộng.
Ví như ông Giôdép Caiô, cựu Thủ tướng, một nhà lý tài ngoại ngạch, một nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Anhxtanh nói, sau khi đã cai trị 40 triệu dân Pháp, đã giỡn với hàng triệu, hàng tỷ bạc, đã viết sách viết vở, rồi một buổi sáng nọ, bỗng gãi điên cuồng - không phải là gãi tóc, vì ông ta không có tóc - mà là gãi tai, đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: châu Âu sẽ đi tới đâu đây? Nước Pháp sẽ đi tới đâu đây? Câu hỏi tuy có vẻ quá giản đơn, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải đáp. Và có thể còn phải chờ lâu mới giải đáp được, trừ phi...
Này, ngài Thủ tướng, xin ngài cho tôi biết chân của châu Âu và chân của nước Pháp ở chỗ nào, tôi sẽ nói ngài hay châu Âu và nước Pháp đi tới đâu!
Đácuyn, nhà cực thông thái Đácuyn, từng biết rằng con ngươi của ếch xứ Ôvécnhơ (1) tròn hơn con ngươi của ếch vùng Nốttinhham, và đuôi bồ câu Mêhicô có nhiều hơn đuôi bồ câu ở Thuỵ Điển ba cái lông tơ, nhưng ông lại hoàn toàn không biết gì đến một loài động vật rất đông đúc ngày nay được biết rất rõ ràng; cái loài động vật mà do số lượng, do chất lượng của nó, có thể liệt vào hàng đầu
trong giới động vật. Vì hiện tượng này cũng khá thú vị, nên chúng tôi thử trình bày cùng bạn đọc báo Le Paria (2).
Kết quả của những cuộc nghiên cứu kỹ, càng cho phép chúng tôi khẳng định rằng nguồn gốc loài động vật này cũng lâu đời như nguồn gốc loài người, nếu không phải là lâu đời hơn nữa. Cấu tạo thể chất của nó hết sức kỳ lạ: ở tất cả các loài động vật, sự sinh sản ra lông lá thường là ở đằng đuôi... ở loài động vật này... lại ở trên đầu. Chỉ ở trên đầu, chứ không ở cổ như bờm con ngựa. Lông lá này mịn như len và hung hung, hoặc cứng và đen, tuỳ theo khí hậu nơi nó sống. Khí hậu có ảnh hưởng rất nhiều đến nước da nó, màu da đó đi từ vàng đến đen, chứ ít khi trắng. Dù có những sự kỳ quặc đó, diện mạo của nó đôi khi cũng khá dễ thương. Nó đi hai chân. Nhưng, theo tài liệu quan sát được tại những vùng châu á, thì nhiều khi nó lại được coi như loài bốn chân (3). Nói chung, có thể liệt nó vào loài hai tay. Điều làm cho loài động vật này rất đông đúc và có thể sống ở một địa bàn rất rộng trên trái đất, chính là ở chỗ nó rất dễ dàng thích nghi với nhiều thứ đồ ăn hết sức khác nhau. Nó ăn thịt, ăn cỏ, ăn gạo và ăn cả ngân sách nữa. Cần chú ý rằng khi có thể đã tiến đến trình độ ăn ngân sách thì thường bị coi là thoái hoá, vì nó đã mất hết đặc tính tinh thần của nòi giống nó rồi.
Óc bắt chước của nó rất phát triển và óc đó không phải nông cạn như ở loài khỉ hay loài vẹt, vì người ta nhận thấy rằng tài bắt chước của nó thường đạt tới chỗ tuyệt khéo và đôi khi còn hơn cả cái mà nó bắt chước nữa.
Một vài đức tính thực dụng của nó còn cao hơn cả những đức tính thực dụng của các loài gia súc của chúng ta nữa kia. Một khi thuần dưỡng rồi, thì nó tự để cho người ta hớt lông như con cừu, chất đồ lên lưng như con lừa, và đưa vào lò sát sinh như con bê. Nó rất dễ thôi miên. Nếu bắt ra một con, to nhất hay mạnh nhất trong bầy, và đeo vào cổ nó một vật gì lóng lánh, một đồng vàng hay một thập ác chẳng hạn, thì nó liền trở thành hoàn toàn ngoan ngoãn, lúc đó có thể sai nó làm bất cứ việc gì, bảo nó đi bất cứ đâu cũng được, và các con khác cứ việc theo nó một cách ngu đần như loài thú vật - nếu có thể nói như thế được.
Các nhà bác học của B.I.Z.A (British Imperial Zoological Association) (4) vừa cho biết rằng loài thỏ trước bên bờ ấn Độ Dương và Bờ biển Libi (5) vùng Biển Đỏ, bắt đầu tỏ ra có những tiến hoá rõ rệt: nó không chịu để người ta bắt một cách dễ dàng nữa và trốn tránh cảnh làm gia súc. Hiện tượng mới đó không khỏi gây lo ngại cho các giới công nghiệp - khoa học trên thế giới, và đặc biệt là cho những giới đó ở đô thị, vì tuy thịt loài vật này không ăn được vì không ướp lạnh được, nhưng máu và mồ hôi của nó lại đã trở thành những thứ không thể thiếu để làm béo những cái máy làm dồi thịt.
Để tóm tắt bản trình bày ngắn này, chúng tôi xin nói rằng tên chủng loại của cái giống vật dị kỳ đó là Dân bản xứ thuộc địa (Colonial Indigéna) (6) nhưng tuỳ theo từng vùng mà nó có tên gọi khác nhau: người An Nam, người Mangát, người Angiêri, người ấn Độ, v.v..
NGUYỄN ÁI QUỐC
T.B. - Chúng tôi vừa nhận được của một đồng nghiệp của chúng tôi là nhà bác học về tự nhiên học Đờ Páctu (7) một tiêu bản hiếm có của loài này, hình như cũng có họ hàng thân thuộc gì đó với loài mà chúng tôi vừa nghiên cứu. Loài đó, theo bạn đồng nghiệp của chúng tôi, thì tên nó là: Vô sản. Một ngày gần đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu giống với hiện tượng mới này: Vô sản Đờ Páctu (8).
Báo Le Paria, số 2,
ngày 1-5-1922.
Chú thích:
(1) Auvergne: Một tỉnh miền trung nước Pháp.
(2) Báo Le Paria: Cơ quan tuyên truyền của Hội Liên hiệp thuộc địa, do Nguyễn Ái Quốc và một số nhà cách mạng Angiêri, Tuynidi, Mangát, Máctiních, Marốc... sáng lập năm 1922, tại Pari. Báo xuất bản bằng tiếng Pháp, lúc đầu mỗi tháng ra một số, sau tăng lên hai số. Số 1 ra ngày 1-4-1922 với tiêu đề Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa , đến tháng 1-1924 đổi thành Diễn đàn của vô sản thuộc địa.
(3) Loài quan lại trong tư thế Xalamalếch1) (chú thích của tác giả).
Xalamalếch: từ tiếng chào Arập có nghĩa là "chúc thanh bình", tiếng Pháp đặt ra từ ngữ này để chỉ lối chào cầu kỳ, quá mức lễ phép và lặp đi lặp lại (cho nên thường dùng ở số nhiều). Tác giả nói "loài bốn chân" với ngụ ý phê phán lối chào á Đông xưa quỳ gối chống tay, rạp mình tận đất.
(4) Hội động vật học đế quốc Anh
(5) Phiếm chỉ vùng Địa Trung Hải giáp Bắc Phi (thời cổ đại có khi gọi phiếm chỉ là Libi)
(6) Phỏng theo cách của các nhà sinh vật học dùng tiếng latinh để đặt tên khoa học cho những giống, loài động vật và thực vật.
(7) De Partout. Tên nhân vật do tác giả đặt ra.
(8) Phỏng theo cách các nhà sinh vật học lấy tên mình để đặt tên khoa học cho những giống, loài động vật và thực vật do mình phát hiện.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét