Website này tập hợp những tác phẩm, bài viết, bài nói quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1919 đến 1969, nền tảng của TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH.

15 tháng 2, 2014

Tội ác của chủ nghĩa thực dân

+ No comment yet
"Dưới sự bảo trợ của nước Pháp, xứ Đông Dương đang theo đuổi một cách hoà bình vận mệnh của mình, và thưa các ngài, các ngài đã thấy bằng chứng tốt đẹp nhất rằng xứ đó đang hạnh phúc". Đấy, ông Utơrây, nghị sĩ xứ Nam Kỳ (?) đã nói như vậy với các đồng sự ở Nghị viện Pháp.
Trong tập san tháng tám, Hội Nhân quyền và Dân quyền vừa chứng minh cho chúng ta biết Đông Dương hạnh phúc như thế nào và nước Pháp được đại diện tốt đẹp như thế nào.
Chúng tôi xin tóm tắt bằng mấy dòng sau đây:


Như ở tất cả các tỉnh, một tỉnh Bắc Kỳ cũng có một vị công sứ Pháp. Như tất cả các vị công sứ Pháp ở Bắc Kỳ, vị công sứ ở tỉnh mà chúng tôi nói tới, được trao cho một quyền hành vô hạn. Ông ta là chủ tỉnh, đốc lý, chánh án, mõ toà, chủ thầu. Ông kiêm nhiệm tất cả mọi quyền hành: tư pháp, thuế vụ, sinh mệnh và tài sản của người bản xứ, việc bầu cử những người cầm quyền bản xứ, quyền lợi của công chức, vân vân và vân vân.
Vị quan chức cao cấp đó đã dùi mài tất cả khoa học chính trị và hành chính ở khu phố la tinh mà ông ta vốn làm nghề... bán cháo. Bị nợ như chúa chổm và không còn một xu dính túi, ông ta may mắn được một chính khách có thế lực "đề bạt" cho làm công sứ phụ trách một tỉnh có hàng nghìn người.
Ngoài việc ông ta biết bắt giữ, tống giam và kết án một cách độc đoán những người An Nam để thúc thuế họ, ông ta còn biết thừa hưởng của nền Cộng hoà và tô điểm triều đại của mình bằng những chiến tích mà sau đây là vài ví dụ:

Những người tình nguyện bản xứ - theo họ nói - được dẫn tới để sung vào lính khố xanh và được khám sức khoẻ để tuyển mộ. Đấy là những người dân mù chữ, sợ sệt mà quan công sứ mắng chửi và nắm tay đấm, lấy gậy vụt vì họ trả lời hơi chậm chạp.
Ông đã hung bạo nắm tay đấm ba người lính bản xứ vì họ đã làm sổng một người tù, ông túm tóc kéo lê họ dưới đất, đập đầu họ vào tường toà sứ.
Khi hỏi cung tù, quan công sứ lấy kiếm chích vào đùi họ. Có người đã ngất khi đưa trở lại nhà giam.

Những người tù khốn khổ ăn không đủ no, áo quần rách rưới, dậy từ sáng sớm cho đến tối mịt, gông đeo cổ, xiềng to xích chân, người nọ xích vào người kia, phải kéo bánh xe lu, chiếc bánh xe lu to tướng mà họ phải lăn trên mặt đường rải đá dày. Bị kiệt sức, họ khó nhọc lê bước dưới mặt trời nóng bỏng. Quan công sứ đến, cầm một chiếc gậy lớn theo thói quen, và với thói tàn bạo không thể tưởng tượng, y vô cớ lần lượt vung gậy đánh những người khốn khổ đó, mắng chửi họ lười biếng.

Một hôm, nhà khai hoá của chúng ta, vừa khiển trách một nhân viên người Âu, và không biết trút tức giận vào đâu, y vớ một cái thước sắt trên bàn giấy và đánh gãy hai ngón tay của một người thư ký bản xứ không có liên quan gì đến việc này.
Một hôm khác, y lấy roi vụt vào mặt một viên cai bản xứ trước mặt binh lính của anh ta.
Một lần khác, y chôn ngập đến cổ những người lính trái ý y và chỉ cho đào lên khi họ đã gần chết.
Khi y đến những con đường mà y bắt những người bản xứ phải làm với ngày công một hay hai xu, sau khi đã bắt họ phải chuộc ngày lao dịch với giá mười lăm xu một ngày, thì người ta đếm thấy hàng tá người gãy chân vì bị đánh bằng xẻng và cán cuốc.

Một lần, tại một công trường, y vớ lấy súng của một người giám thị để đánh một người tù. Người tù này tìm cách lẩn tránh được, quan công sứ quay lại người gác và dùng khẩu súng đó đánh luôn. Người vợ xứng đáng của quan, bà công sứ, cũng can thiệp vào, bà sẵn sàng đánh những người tù và nhân dịp đó phạt những người lính.
Người ta đã thấy quan công sứ dùng gậy đánh lòi mắt một viên cai.

Thưa các ngài, các ngài được thấy dưới sự bảo hộ của nước Pháp nhân từ, xứ Đông Dương hạnh phúc biết nhường nào? Và đấy chỉ mới là một hàng mẫu của cái kho văn minh thượng đẳng.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo La Vie Ouvrière,
số 126, ngày 30-9-1921.

Đăng nhận xét